Khái yếu Vagabond

Tác phẩm mô tả thời thanh xuân của nhân vật chính, kiếm hào Miyamoto Musashi trong bối cảnh xã hội phong kiến Nhật Bản chuyển giao từ thời Chiến Quốc sang thời Edo, khi thời đại của kiếm đã sắp tàn.Câu chuyện xảy ra khi có một biến chuyển lớn trong lịch sử Nhật Bản khiến Musashi tan vỡ giấc mơ xuất thế lập thân, sau đó tự xác định mình theo con đường kiếm khách cô độc. Ngoài ra, tác phẩm còn đề cập đến Sasaki Kojirō, kiếm khách nổi danh với trận quyết đấu trên đảo Ganryū và nhiều kiếm sĩ khác trong cuộc đời Musashi.

Tuy dựa vào nguyên tác tiểu thuyết Miyamoto Musashi của văn hào Yoshikawa Eiji nhưng họa sĩ Inoue đã không bám sát nguyên tác mà đã đẩy câu chuyện sang nhiều chiều hướng mới theo cách nhìn nhận của mình. Ngoài ra, hệ thống nhân vật cũng không hoàn toàn theo sát nguyên tác, chẳng hạn như việc người chị của Takezō không xuất hiện trong Manga, Sasaki Kojirō là một thiếu niên điếc bẩm sinh…

Tên gọi "Vagabond" là một từ tiếng Anh, nghĩa là kẻ lang thang, kẻ du côn đầu đường xó chợ, thằng ma cà bông. Trong cuốn Tankōbon thứ 5, ở phần cuối tác giả Inoue Takehiko có giải thích lý do vì sao lại chọn Vagabond để đặt cho tác phẩm của mình thay vì "Miyamoto Musashi". Miyamoto Musashi là một trong những kiếm khách vĩ đại nhất trong lịch sử Nhật Bản, tên tuổi ông đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân nước này qua nhiều tác phẩm văn hóa đại chúng khác. Nếu chọn cái tên "Miyamoto Musashi" hay "Musashi" cho tác phẩm này thì vô tình, mặc dù chưa đọc nhưng độc giả đã bị gán một tâm thức yêu ghét đối với những nhân vật trong tác phẩm. Inoue không thích điều này và ông muốn độc giả cảm nhận được những nét độc đáo mới trong nét vẽ của mình, mặc dù đó là những nhân vật lịch sử có thật và đã quá quen thuộc với mọi người.

Tác phẩm này được đánh giá là thể hiện rõ đẳng cấp nét vẽ của Inoue. Mỗi một khung tranh đều được đánh giá là một bức tranh hoàn thiện. Ban đầu, Inoue gặp khó khăn trong việc mô tả trang phục Kimono đương thời vì các đường nét của cơ thể nhân vật rất khó xuất hiện, và nhất là trong những cảnh chiến đấu, động tác của nhân vật không được tự nhiên lắm. Sau khi trần trọc suy nghĩ, Inoue quyết định vẽ nháp một lần nhân vật ở trần, sau đó vẽ lớp y phục đè lên trên. Vì vậy, tuy giải quyết được khuyết điểm kể trên nhưng phương pháp này tốn gần gấp đôi thời gian so với phương pháp vẽ thông thường. Và thấy rõ giới hạn trong việc miêu tả bằng bút mực, để thể hiện bầu không khí tại hiện trường và vẻ bẩn thỉu của Kanemaki Jisai thì bắt đầu từ phần Kojirō trở đi, Inoue chuyển sang dùng bút lông hoàn toàn.Bản Tankōbon còn có một số trang được in màu.